Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

CÂY MỘC GIÀ TRỔ HOA


Cô gái ấy không thấy lên tiếng bao giờ. Khuôn mặt sống động với đôi mắt to trong sáng đầy biểu cảm. Nụ cười lúc rạng rỡ, lúc mơ màng khiến người ta hiếu kỳ. Lặng lẽ và khoan thai, đôi khi tôi có cảm tưởng đó chính là Giáng Kiều, nàng tiên bí mật rời bức họa trên tường nhập thế.
Chị Hạnh thấy tôi chăm chú dõi theo cô bé, liền chép miệng: Khổ thân con bé, từ năm 10 tuổi nó đã không nói được rồi. Con bé thông minh lắm, nhưng khổ nỗi khác người, cái gì người ta thích thì nó không thích. Chị hạ thấp giọng khi cô gái ghé đến gần, tay cầm một chiếc khăn thêu khẽ nâng lên sát má chị tôi, hơi mỉm cười. Gật đầu chào tôi, rồi nhìn vào mắt chị như ướm hỏi. Tìm được câu trả lời rồi, cô gái nhẹ nhẹ bước đi. Không có một tiếng động nào cũng như lúc bước vào, chỉ có làn hương dìu dịu còn vương lại. Hương của hoa Mộc sau vườn, ngọt ngào bí mật, đột nhiên làm sống lại những ngày còn bà ngoại, những ngày chúng tôi còn là mấy cô bé tóc buộc đuôi gà đuổi nhau sau lưng bà ngoại dấu yêu...


Tôi không tìm thấy hoặc chưa thể tìm ra chút “sợ người” nào ở Diệu Anh. Khách khứa ghé quán café của chị Hạnh hình như cũng đã rất quen với sự hiện diện yên lặng đó. Diệu Anh rất khéo léo khi pha chế lẫn lúc thiếu người phục vụ. Cô có thể hiểu ý khách hàng và đáp ứng yêu cầu của khách nhanh nhẹn và duyên dáng hơn bất cứ cô bé trẻ trung mặc đồng phục nào của quán. Tôi quyết định làm bạn với cô gái mắt to đang nhìn tôi chăm chú một cách ân cần pha chút hiếu kỳ con trẻ. Cô bé tiến lại phía tôi rồi chỉ vào chiếc ghế đối diện dò hỏi, tôi gật đầu.
Em nhoẻn miệng cười rồi nhẹ nhàng ngồi xuống. Tay cầm cây bút chì màu gỗ nhạt, đưa nhanh trên tập giấy con con: “Chị ơi, chị là người trồng hai cây Mộc ở sau bụi Hồng gai ạ?”. Tôi bất giác mỉm cười, giơ tay mượn bút: “Còn em là người hay hái hoa phải không?”. Cô gái cười, tay mải miết: “Nếu em không hái hoa sẽ buồn lắm đấy, ai bảo chị đi rồi không ai chăm hoa nữa, chị Hạnh bận suốt ngày, không có thời gian”.
Tôi lại cầm lấy bút: “Cảm ơn em nhé, chị không ngờ cây còn sống được. Hồi chị đi cây gầy guộc lắm, mẹ chị bảo chắc cũng chẳng sống nổi đâu. Ngày xưa cây Mộc của bà ngoại rất nhiều hoa, thế mà bà mất đi cây không ra hoa nữa, dẫn dần cũng khô héo lại... Thì ra em đã cứu cây hộ chị, cảm ơn em!”
Từ hôm về tôi vẫn chưa dám ra đây. Có quá nhiều kỷ niệm có thể làm tôi rơi nước mắt. Mà tôi thì không muốn khóc. Bà ngoại hay ngồi đây vuốt vuốt lưng tôi say sưa kể về thời thiếu nữ của bà. Dưới gốc Ngọc lan này cậu Ba đã hái bao nhiêu là nụ cho mẹ chơi đồ hàng, bị ông ngoại đánh đòn. Tôi thấy từng khuôn mặt của mười mấy, 20 năm cả ngọt ngào và nông nổi. Nghe tiếng cười thiếu nữ lao xao, tiếng chân rón rén, tiếng chim ngơ ngác... Tôi không còn thích vào đây nữa từ khi bà mất, chị Thy qua đời và cha bỏ chúng tôi đi...
Diệu Anh bước nhanh lại gần tôi khi thấy tôi thẫn thờ, mắt hơi đỏ lại. Cô nhìn tôi dò hỏi và đột nhiên mạnh dạn kéo 2 má tôi ra. Tay ra hiệu còn mắt thì vừa cười vừa nghiêm nghị: “Em có bảo chị ra vườn để khóc đâu?!”
Tôi thấy mình giống như anh chàng Bảo Ngọc quay lại Đại Quan Viên khi lầu cũ vắng không, sập sè én lượn. Cô gái đi trước tôi yểu điệu như nàng Đại Ngọc nhưng không rơi lệ buồn thương. Kéo tôi tới gần cuối vườn, em khẽ đẩy tôi tới trước. Vé mặt hài lòng, mãn nguyện: “Chị nhìn đây này, cố nhân của chị đấy, 2 cây Mộc đã lớn thế rồi đây!”
Trong ánh nắng xuân nồng ấm, 2 bụi cây đứng đó nở tràn hoa trắng, thơm xao xuyến như một loài cây huyền thoại ở thiên đường. Cây khiêm nhường mà mạnh dạn, thanh mảnh mà phong sương. Ôi! Tôi chẳng thể nào nhận ra cây nữa! Cô gái bật cười, mắt lấp lánh niềm vui.

Đây là loài cây mà ngoại tin là gắn với bản mệnh của tôi. Vì từ nhỏ cái gì có hương Mộc tôi đều mê cả. Mẹ nói hồi ông của mẹ làm quan ở thành Nam, được người ta tặng cây Mộc gốc đâu ở tận bên Tàu, cụ thích lắm. Thời thiếu niên, cụ từng theo cha đi sứ, tận mục sở thị chuyện “Sen thơm ngàn dặm, Quế nở 3 thu”, rồi về lòng vương vấn mãi. Được cây hoa Mộc, cứ 3 tháng lại nở 1 lần bất kể xuân, hạ, thu, đông cũng gọi là sống lại chút tình hoa cỏ. Trong nhà thành lệ, mùa xuân ai cũng dâng biếu một gốc Mộc hoa. Sau này kể cả khi bà ngoại theo chồng, gia cảnh có khác cũng vẫn giữ lòng yêu chuộng loài hoa đó. Thời con gái không phải ai cũng biết tên bà ngoại là Mộc Anh, nhưng ai cũng biết gia đình bà nức tiếng về vườn Mộc...
Mấy mươi năm vật đổi sao dời, giờ tôi lại đứng đây, trước hai gốc Mộc mãn khai đầy sức thanh xuân con gái. Không còn những kỉ niệm buồn, chuyện xưa đã khép lại. Bởi vì bên tôi, Diệu Anh đứng đó, khuôn mặt dịu dàng tràn ngập lời nhắc nhở hiện tại: Dẫu thời gian không ngừng lại, cây vẫn kiên cường nở hoa!

                                                                                                                         Hồng Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét