Quan sát thú chơi hoa cảnh của người
xứ mình, càng ngày trong tôi càng củng cố cái nhận xét cho rằng người xứ
mình có một sự yêu thích khác thường
đối với các giống hoa cảnh xứ lạ, nhất là xứ lạnh. Cố nhiên bạn đọc có
thể phản bác tôi và tôi cũng sẵn lòng tự phản bác mình, rằng thú chơi
phong lan chẳng hạn, chẳng là gắn với loài thực vật xứ nóng, đặc trưng
của rừng nhiệt đới đấy ư? Dẫu vậy, tôi nghĩ, sự yêu thích hoa cảnh ôn
đới vẫn là một nét đặc trưng trong thú chơi hoa cảnh của người xứ mình.
Vì
lẽ gì nhỉ? Phải chăng vì lãnh thổ nước mình nằm ở vùng nhiệt đới nên
các giống thực vật ôn đới khó trồng ở xứ mình; mà cái gì khó thì mặc
nhiên trở thành quý hiếm?
Thú chơi thuỷ tiên và dịp Tết ta hẳn đã
có rất lâu rồi. Chuyện thi gọt thuỷ tiên sao cho hoa nở đúng giao thừa,
chuyện mơ mộng bên mấy đoá thuỷ tiên…, − đã đi vào thơ văn. Vậy mà đến
nay, giống này vẫn cứ luôn luôn là mặt hàng ngoại nhập, không gây giống
được trên đất mình.
Chỉ dăm năm gần đây, trà mi các loại mới trở
thành mặt hàng “đại trà” giá hạ dễ mua mà cũng tương đối dễ gây trồng,
chứ cả một thời gian dài xưa kia, người chơi hoa xứ Bắc mình vẫn xem trà
mi là giống rất hiếm quý. Đối với người Tây phương, trà mi (camélia)
hình như cũng là loại hoa hữu danh; ta nhớ Dumas-Con (Dumas-fils,
1824-1895) đặt tên tác phẩm theo cái tên mà nữ nhân vật chính trong
truyện được mệnh danh: La dame aux Camélias, ta vẫn dịch là Trà Hoa Nữ,
tức là “Nàng Hoa Trà” vậy. Nếu ai có dịp đi lên các vùng từ vĩ độ 25o
trở lên, ví dụ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…, sẽ thấy ở đó các loại
trà mi có khi được trồng làm hàng rào, có khi được trồng làm cây vòm để
cắt gọt cành là tạo thành những nấm xanh tròn nơi công viên, có khi
chúng “tự mọc” gần như cây hoang, chẳng được chăm chút gì đặc biệt mà
vẫn nở hoa suốt từ xuân qua hạ sang thu.
Có lần trong một công
viên ở Sacramento (nơi đặt thủ phủ bang California, Mỹ), tôi ngạc nhiên
nhận ra những cây mộc hương cao đến 4-5 mét nhưng lá và hoa thì vẫn với
kích cỡ như lá hoa trên những cây mộc hương (aristoloche) thường được
trồng trong các ngôi chùa làng xứ ta mà ta quen xem như loại cây bụi với
chiều cao chỉ trên dưới 1 mét, và mùi hương thì hình như nồng hơn,
trong trí nhớ của tôi. Vậy là mộc hương cũng có gốc từ xứ lạnh phương
Bắc. Dẫu vậy, ở xứ ta nó lại được biết đến dường như kỹ lưỡng hơn. Tôi
nhớ những năm 1960-70, thơ Xuân Diệu và Chế Lan Viên hay nhắc đến sắc
thái lạ của hương hoa mộc.
Mùi hương đạm ấy sao nồng
Ngỡ khuất sau làn ngõ biếc
Trong hồn thơm mãi vào trong
“Đạm”
(chứ không phải “đậm”) ngược với “nồng” (“nồng”= đậm đặc); nhưng ngược
với “nồng” mà lại không hàm cái ý “loãng”, “nhạt”; “đạm” gần với
“thanh”, nó như trạng thái tự đủ trong cái thưa thoáng của mình. Qua
hương hoa mộc, Xuân Diệu và Chế Lan Viên dường như muốn phát hiện cho
mình nét gì đó thú vị nơi những tâm hồn nương mình chốn cửa Phật.
Nhắc
đến hoa xứ lạ, tôi lại nhớ cả chặng đường từ lúc mình ngẫu nhiên nghe
thấy cái tên lạ “hoa sen núi” hay là “đại liên sơn” đến chỗ tìm biết cái
tên đã có từ lâu của nó: “magnolia”, “mộc lan”. Chẳng là dạo hè 1998,
lúc vào thăm một ngôi vườn cạnh nhà sáng tác Đà Lạt, tôi được chủ vườn
chỉ cho những cánh hoa rụng đã gần khô của một giống cây nghe nói khi ấy
vừa được tìm thấy trong vùng rừng quanh Đà Lạt mà người ta tạm gọi là
“hoa sen núi”, lại thêm một định danh Hán Việt tân tạo hơi lủng củng nữa
là “đại liên sơn”, cốt ghi lấy đặc điểm những cánh hoa màu trắng lớn cỡ
cánh hoa sen mọc trên cây thân gỗ. Hai năm sau, cũng dịp cuối hè đầu
thu, tôi có dịp thấy thứ cây hoa như vậy ở khắp vùng từ bắc đến nam
California (Mỹ); bạn bè người Việt cho biết tên nó là magnolia và đã
được dịch từ lâu ra chữ Hán là mộc lan, tên cây chữ Việt cũng phiên âm
tên chữ Hán này. Nhà một bạn người Việt của chúng tôi ở San Jose nằm
trên phố mang tên giống cây này: Magnolia Avenue, tức là “phố Mộc Lan”.
Lần ấy, ngay khi trở về Hà Nội, tôi vội viết điều này lên báo, nhắn các
chủ vườn Đà Lạt nên trở lại dùng cái tên mộc lan cho giống cây hoa mới
phát hiện là có trong vùng rừng ven thành phố nói trên. Điều thú vị là
một nhà báo, chị Phạm Tâm Hiếu, đã cho tôi biết rằng thứ cây hoa mà tôi
tả trong bài báo in kèm ảnh chụp ấy, ngay ở Hà Nội cũng có. Cây thứ nhất
chị trỏ tận nơi cho tôi là cây magnolia trong khuôn viên chùa Kim Liên
gần khách sạn Thắng Lợi. Từ mùa ấy, năm nào tôi cũng đến ngắm cây ít ra
một lần, nhất là vào đầu hè, hoa nở rộ, những cánh hoa lớn như cánh hoa
sen, trắng muốt, hiện diện trên cành cây thân gỗ lá to dày, cũng là nét
khác lạ; hoa của loài mộc lan này cũng có hương, một mùi hương chưa quen
nên chưa dễ gọi tên. Dần dà tôi tìm thấy thêm những “địa chỉ mộc lan”
mới ở Hà Nội: cây mộc lan vươn cao từ trong khuôn viên chùa Lý Quốc Sư,
khá nhiều cành lớn đương đeo bầu chiết cây, hẳn để dành biếu tặng những
thiền từ phật tự nơi khác. Một lần theo du thuyền Hồ Tây ghé phủ Tây Hồ,
chúng tôi cũng gặp một cây mộc lan nhỏ đang trổ hoa được trồng bên
tường phủ, chỗ gần bể thiêu hương (cây này ít lâu sau đã được đem tặng
nơi khác). Trên đất Hà Nội ít ra cũng có chừng 5-6 cây mộc lan; lớn nhất
có lẽ là 2 cây mộc lan trước cửa Câu lạc bộ Ba Đình; cuối hè 2003 tôi
còn kịp vào xem hoa vài ngày trước khi cả hai cây được di chuyển đi đâu
đó nhường đất cho việc xây dựng. Nhưng cây magnolia có màu lá xanh đậm
nhất (trong số những cây này có ở Hà Nội) là cây trong khuôn viên sứ
quán Đức mà khách qua đường Điện Biên-Trần Phú nhìn vào có thể nhận ra,
nhất là vào mùa cây trổ hoa, dịp cuối xuân đầu hạ.[1]
Cũng một
chuyện hoa có gốc gác xứ lạnh là chuyện mùa đông vừa rồi Đại sứ quán
Nhật Bản tặng cây giống hoa anh đào cho Hà Nội. Nhìn gần những cây anh
đào cao chừng nửa mét được trồng chính giữa bồn cây rộng kiêm giải phân
cách giữa hai chiều đường Liễu Giai, tôi có cảm tưởng đã gặp loại cây
này đâu đó trên đất Việt; có lẽ là Đà Lạt. Ở độ cao trên 1200 mét so với
mực nước biển, giống cây này có vẻ phát triển tốt. Đến Đà Lạt vào mùa
hè, không được thấy cây này nở hoa, ta chỉ thấy cây lá mỡ màng xanh tốt,
cây cao chừng 5-6 mét, có cây đường kính thân lớn chừng vài ba chục
phân, với lớp vỏ sần sùi đặc trưng cho các giống đào mận. Mấy bạn sống ở
đây cho biết có năm thuận, hoa nở từng chùm lớn rất đẹp, đầu hè lại
được một lứa quả, loại quả nhỏ cỡ đầu ngón tay, cuống dài, người ta đã
thử ngâm rượu; thứ rượu có vị gần với rượu ngâm đào, mận, mơ ấy, tôi đã
được nếm. Chưa biết giống đào ấy có chính cống là anh đào sakura không,
nhưng nghe người ta nói thì đó cũng là giống từ Nhật Bản, được đưa đến
trồng ở đây từ hồi những năm 1960 (gần đây báo chí gọi loại này là mai
anh đào, cũng không cho thấy gì rõ ràng hơn). Dưới các góc vườn trong
thành phố Đà Lạt nhìn kỹ có thể thấy những cây con nảy từ hạt quả “mai
anh đào” rụng mùa trước; những cây con nom rất khó phân biệt với các cây
mận cây mơ nảy từ hạt ở các vườn nhà ngoài Bắc. Có lẽ trồng cây từ hạt
sẽ chậm có cây trưởng thành nên hầu hết các cây mai anh đào nhỏ đang
được trồng quanh hồ Xuân Hương ở thành phố Đà Lạt hiện giờ có vẻ đều là
cành chiết từ cây lớn. Ở thành phố trên cao nguyên này có lẽ sẽ không xa
lắm để trở thành hiện thực cái hy vọng một ngày kia việc đến đây ngắm
mai anh đào nở sẽ trở thành nội dung các tour du lịch. Còn ở Hà Nội, đợi
chờ anh đào nở trên đường Liễu Giai có vẻ còn khá xa vời. Một nhà ngoại
giao người Nhật nhận xét với báo chí rằng khí hậu Hà Nội khá khắc
nghiệt đối với loài cây này (hẳn ông muốn nói tới trên sáu tháng nóng
bức mà loài cây này di thực đến đây sẽ phải chịu đựng, thích nghi),
nhưng ông và cả chúng ta nữa, đều mong những cây anh đào này sẽ sống sẽ
lớn sẽ trổ hoa trên đất cũ Thăng Long.
Tiện thể tôi có nhận
xét rằng các viên chức ngoại giao Nhật dường như khá chú ý đến chủng
loại cây cối quanh khu họ ở. Dãy anh đào vừa nói trên nhìn thẳng vào
cổng phía tây toà sứ quán; dọc phía đông khuôn viên toà sứ quán, bên
trong tường rào được trồng các dãy cây ngọc lan, bên ngoài tường, dọc
vỉa hè các phố Liễu Giai, Vạn Phúc được trồng khá nhiều cây hoàng lan;
phía hè đường Vạn Phúc bên kia sứ quán, tình cờ chăng, có một gốc phượng
vĩ hoa tím có lẽ là độc nhất ở Hà Nội, cùng một thứ phượng tím mà
Nguyễn Quang Sáng đã đưa vào phim truyện, thứ phượng tím mà việc nhân
giống thành công để trồng thành từng dãy trên phố Đà Lạt được báo chí
đưa tin như một sự kiện văn hoá.
Chợt nhớ chuyện cuối thu năm nọ
một thành phố nào đó dọc miền Trung phải cho chặt bớt các cây hoa sữa ở
những đoạn mật đọ cây quá dày, mùi hoa nồng khiến người trong vùng không
chịu nổi, tôi lại phải bừng tỉnh để xin nhắn các bạn Đà Lạt chớ có
trồng phượng tím với mật độ quá dày quá thuần chủng trong một không gian
hẹp. Vì sao ư? chả là vài bạn người Việt ở quanh vùng Los Angeles kể
rằng ở một số đoạn đường trồng dày phượng tím, mùa hoa nở nhiều thì mùi
hoa cũng gây phản cảm nặng cho khứu giác con người.
Tôi đang lan
man về điều tôi cho rằng người xứ mình thích hoa cảnh xứ lạ. Sự ưa thích
thiên lệch ấy có thể có lúc phải trả giá. Có một chuyện đã xảy ra với
một người kinh doanh hoa cảnh cách nay vài ba năm, chừng như là vào đầu
năm 2001, năm được coi là đích thực mở đầu thiên niên kỷ mới, thiên niên
kỷ thứ ba tính theo lịch của đạo Thiên Chúa; anh bạn trẻ thuộc loại
“lãng mạn hoa kiểng” ấy dám mua từ Vân Nam về Hà Nội dăm gốc mẫu đơn
tiên. Người Trung Quốc coi loài này là chúa của các loài hoa. Nhiều thế
hệ hoạ sĩ Tàu từng thả ngọn bút vẽ mê đắm của họ theo vẻ đẹp trùng phức
rực rỡ của giống hoa này. Thưở nhỏ, xem những phiên bản tranh Tàu, tôi
cứ nghĩ đấy là họ vẽ theo hoa thược dược (một loại cây thân rau dễ
trồng) rồi mơ mộng phóng đại tầm mức các tầng cánh của bông hoa đó lên.
Những năm 1980, một lần trong phòng khách một khách sạn dưới chân núi
Alatau (Kazakhstan) có đỉnh tuyết phủ giữa mùa hè, tôi lần đầu tiên
trong đời nhìn thấy một cành thân gỗ với một bông hoa lớn có lẽ của loài
hoa ấy mà người ta cho tôi biết dưới cái tên tiếng Nga là “pion”. Mãi
đến gần giao thừa hai thiên niên kỷ, được ngắm cây thật nụ thật hoa
thật, tôi mới tin cái đối tượng mô tả của các hoạ sĩ Trung Hoa kia là
loài có thật. Đây cố nhiên không phải thứ mẫu đơn vốn có ở xứ ta, loại
mọc hoang được gọi là bông trang ( thơ Ý Nhi: …bông trang dại vào mùa
chín đỏ…), loại trồng vườn gọi là mẫu đơn với hai màu thường gặp là đỏ
hoặc trắng, gần đây người ta gây được (hoặc nhập về) giống mới hoa lớn
đỏ thắm hơn lá xanh đậm hơn. Đây là một loài mẫu đơn khác, tiếng Anh gọi
là peony, tiếng Pháp gọi là pivoine; thân gỗ, lá chia ba thuỳ gần giống
lá thược dược, nụ hoa lúc sắp nở cũng hơi giống nụ thược dược, cánh hoa
nở ra cũng tương tự cánh hoa thược dược nhưng không khuôn phép như loài
hoa nở ra trên cây thân rau nọ. Tôi ngờ rằng cành mẫu đơn trong truyền
thuyết mà chàng Từ Thức đền giúp nàng tiên giả dạng người trần đi hội
chùa Tiên Du vô tình làm gãy, − là mượn uy danh “chúa hoa” của loài cây
lạ kia chứ không phải hoa mẫu đơn thường gặp nơi các chùa hoặc vườn nhà
xứ mình. Đó, xin nhắc lại, là hoa của một loài cây xứ lạnh, không chịu
nổi môi trường từ vài chục độ trở lên. Sau Tết năm ấy tôi mới biết anh
bạn nọ bị lỗ vốn khá lớn vì mấy gốc mẫu đơn tiên nọ; chúng nở rất mau
tàn cũng rất mau, không kịp bán cho dù là những người chơi hoa hào phóng
nhất; cây hoa cũng không sống được không gây trồng được ở đất này,
tương tự giống thuỷ tiên vậy. Đành an ủi người bạn trẻ : vụ lỗ lã này âu
cũng nên xem như một trả giá, một kỳ tích về …tình yêu hoa lạ!
***
Bây giờ xin trở lại nói chuyện cây lá quen thuộc xứ mình.
Chẳng
rõ việc trồng cây ở đô thị đã trở thành việc làm có quản lý, ít nhiều
có quy hoạch, là từ khi nào? Phải chăng là từ thời có các toà Đốc lý,
tức chính quyền quản lý đô thị thuộc địa của người Pháp? Chẳng rõ những
thứ cây đã thân thuộc với phố xá như phượng vĩ, khuynh diệp, sao đen…có
phải là những giống nội địa? Hay chúng , giống như cau châu Phi, bao báp
châu Phi…đã được địa vực hoá (localisation) vào xứ ta, với bàn tay của
các nhà canh nông thực dân? Cây cối vốn dĩ vô tổ quốc, ở đâu thích nghi
được là chúng tồn tại, tự biến đổi ít nhiều mà tồn tại. Cây bách tán hẳn
không phải cây xứ nóng, nhưng giới kinh doanh hoa kiểng ở ta bảo rằng
loại bách tán do các chủ vườn Nam Bộ trồng ươm bán ra mới là loại bách
tán to đẹp.
Cho đến bây giờ, chẳng rõ giới quản lý đô thị đã hoàn
toàn chủ động trong chuyện cây trồng trên phố? Kinh nghiệm cho thấy việc
chọn cây trồng trên vỉa hè các loại đường, − không phải là việc dễ dàng
để có thể tuỳ tiện. Cây dễ trồng, mau lớn, tán lá rậm, tưởng thích hợp
với phố xá nhiều nắng nóng, nhưng xà cừ lại là đáp án gây thất vọng. Các
loại đa và si thường đòi không gian lớn, − khoảng đất rộng để cắm và
lan các loại rễ, không gian tầm thấp để buông cành phụ rễ chùm, không
gian tầm cao để toả rộng cành lá, − cho nên không dễ để bị sắp đặt vào
bất cứ đoạn vỉa hè nào. Thế mà cây trên phố, cây trong khuôn viên các
dinh thự lớn lại phải là cây có thể tồn tại lâu dài, dáng vóc dễ coi.
Những giống cây có thể trở thành cổ thụ như thế, đối với đô thị miền bắc
như Hà Nội chẳng hạn, chỉ có thể kể đến sấu, muỗm, long não…Chẳng biết
có phải vì bí vì thiếu hiểu biết hay vì liều, mươi năm gần đây người ta
cho trồng trên nhiều hè đường đô thị hoá gấp gáp những giống cây vốn chỉ
đáp ứng yêu cầu phủ xanh đất trống đồi trọc, loại như keo tai tượng,
keo lá chàm…, chỉ sau dăm ba năm cây đã già, đáng chặt đi để trồng mới
rồi.
Trong chuyện thay cây trồng trên phố Hà Nội, có ai đó từng kể
cho tôi một sự việc… ngoạn mục. Chả là đoạn đường Hùng Vương từ cuối
những năm 1970 được nhất loạt trồng mới loại chò nâu lấy giống từ núi
Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ. Sau dăm bảy năm, không ít cây khô chết, người ta đồ
chừng loại cây ấy không thích hợp với đất này. Những tìm kiếm lặng lẽ
được tiến hành. Rồi một loại cây mới cũng lặng lẽ được đưa trồng thay
những cây chò nâu khô chết. Ấy là một loại cây quen thuộc ở đất Nam Bộ:
cây dầu nước. Điều ngoạn mục là cây dầu nước thoạt nhìn không khác gì
cây chò nâu, chỉ nhìn kỹ mới thấy vòm lá xanh hơn và rậm hơn lại toả
rộng hơn tuy ít vươn cao so với chò nâu; thử cầm hai chiếc lá chò nâu và
dầu nước mà so đọ thì nếu không là chuyên gia chắc không thể nhận ra sự
khác biệt. Đến bây giờ, chừng như cây dầu nước đang có mặt kề cận chò
nâu ngay dưới chân núi Nghĩa Lĩnh rồi!
Cùng trên đề tài chọn cây
trồng trên hè phố, dọc các quốc lộ, tỉnh lộ…, tôi nhớ một lần được nghe
một lý thuyết gọi là “bản địa hoá” cây trồng, theo đó, thay vì chọn
trồng các giống cây từ xứ lạ theo kiểu “quốc tế hoá”, người ta khuyên
nên chọn nhân giống và trồng ở vùng mình những loài cây từng có lâu đời
tại mỗi địa phương. Chẳng biết thuyết này đúng tới đâu, nhưng nó xui tôi
nhớ đến những loài chắc hẳn là vốn có từ lâu ở xứ mình. Cây ruối thuộc
giống ruối đã có thể trở thành cổ thụ như ở Đường Lâm, Sơn Tây, không
hiếm gì trong vùng Hà Nội; có ai tính trồng ruối làm cây trên hè đường?
Cây thị với khả năng gợi liên tưởng tới tích Tấm Cám, liệu có thể cho nó
đứng trên hè phố như từng đứng trong vườn trong làng? Cây hoa gạo hẳn
là rất thích hợp để trồng ven các quốc lộ, tỉnh lộ, trồng cả cho những
hè đường trên các phố rộng nữa, nhưng mấy chục năm nay, các sở nông lâm
chưa bao giờ nhân giống cấp giống cây này. Tiết cuối xuân đi ra ngoại ô,
thấy hoa gạo ngày một thưa vắng, ta bỗng vừa nhớ vừa lo. Lại chợt nhận
ra rằng cây gạo bên Hồ Gươm có mặt trong những tấm bưu ảnh chụp từ cuối
thế kỷ XIX nay vẫn còn đó nhưng già cỗi lắm rồi, thế mà quanh hồ chưa
thấy có cây gạo nào khác được trồng thêm; nỗi lo đâu phải vô cớ? Có một
lần ở một tiệm trà trên phố Bolsa (trong quận Cam, bang California, Mỹ),
gặp một sư thầy người Việt vừa từ Paris qua Mỹ; vị tu hành trẻ này hỏi
tôi: hoa gạo là hoa thế nào, cách trồng nó ra sao, có thể gởi hạt sang
đây để trồng trên đất Cali này chăng? Chẳng ai dám bảo cây gạo hoa gạo
(chữ Pháp kapokier, chữ Hán mộc miên) là của riêng đất mình, nhưng những
gợi nhớ về các cuộc hành hương bất chợt gặp hoa gạo giữa đường, bóng
cây hoa gạo cao cao đầu làng thấp thoáng trong các hồi ức quê hương…;
thế thì việc người gốc Việt ở ngoài nước chọn hoa gạo để tạo một dấu
hiệu quê hương cho vơi nỗi sầu xứ giữa nơi đất khách quê người, sự lựa
chọn ấy hẳn không phải là vô lý.
Năm trước có một vài nhà báo nêu
một việc mà các anh gọi là nạn “tàn sát lộc vừng”. Sự việc được các anh
nêu từ thực tế miền Trung, nhưng ngay giữa Hà Nội ta cũng có thể thấy
dấu hiệu của sự triệt phá và thu gom giống cây này, khi mà hằng ngày các
chợ cây cảnh các xe đạp thồ bán tràn ngập các cỡ cây lộc vừng từ lớn
tới nhỏ, khi mà các loại nhà hàng ăn uống ở khắp nơi trên đất Bắc hễ có
khuôn viên rộng là trở thành nơi trưng ra chen chúc những “cổ thụ lộc
vừng” với những thân gốc lớn khác thường, với hẩu hết các cành lớn bị
cắt xén, cành nhỏ bị gọt tỉa…nếu có đẹp cũng là một cái đẹp tội
nghiệp…Lộc vừng là giống chỉ có trong tự nhiên, chưa có sở nông lâm nào
nhân giống cấp giống cây này; tất cả những cây lộc vừng hiện trở thành
hàng hoá kia đều là bị khai thác từ mọi sườn đồi bờ suối các miền. Chiều
theo thị hiếu thị dân, hầu hết các cây lộc vừng khai thác được đều bị
ép xác lại thành “bonsai”, thu gọn vào chậu cảnh. Trong khi ấy các công
viên có hồ ở Hà Nội chẳng hạn, lại rất hiếm chỗ có cây lộc vừng! Người
ta thi nhau chụp ảnh, làm thơ về gốc lộc vừng cổ thụ bên Hồ Gươm, Cái
gốc lộc vừng ba thân chĩa ra Hồ Gươm, sau khi Nguyễn Tuân mô tả mùa hoa
“xuân thu nhị kỳ” của nó, phát hiện nó cho công chúng văn học trong một
bài bút ký thời chiến; từ đó tới nay có biết bao người chụp ảnh làm thơ
“ăn theo” nhà tuỳ bút họ Nguyễn, có điều họ đều quên nói với mọi người
cái thực tế rằng đấy hầu như là cây lộc vừng độc nhất ở các công viên Hà
Nội, rằng cây đó đã quá già. Trong khi lộc vừng ngày càng đầy chật
trong mỗi tư gia thì ở các công viên dọc các đường phố vẫn khó thấy bóng
lộc vừng. Đây là thứ cây của bờ suối đất phèn, cây của những bờ ruộng
ngập nước đồng chiêm miền Bắc.
… “Con bói cá đậu cành lộc vừng rình con tép mại” − trong trí tôi thoảng nhớ câu thơ ai đó viết về đồng chiêm miền Bắc.
Có
lần bạn tôi khoe chậu cây lớn lộc vừng vừa mua được, tôi nửa đùa nửa
thật bảo: Nếu tôi có quyền, tôi sẽ cho thu mua tất cả các cây “bonsai”
lộc vừng trong thành phố, giải phóng chúng khỏi khung chậu chật chội,
đem trồng ven các hồ trong thành phố; dăm năm nữa, Hà Nội sẽ có thêm
nhiều điểm công cộng ngắm hoa lộc vừng!
Được tiếng là thành phố
nhiều cây xanh, nhưng ở Hà Nội hiện có quá ít chỗ công cộng được thiết
kế dành cho người ta đến ngắm cây ngắm hoa, quá ít loài cây loài hoa
được dành để ngắm nhìn nơi công cộng. Hình như chưa có công viên nào ở
Hà Nội dám làm cái việc không đến nỗi khó là trồng thành một vùng chừng
vài chục cây đào theo lối tự nhiên, nghĩa là không xén tỉa, tạo thành
rừng nhỏ, để mùa hoa sẽ thành nơi cho du khách thưởng lãm, chụp ảnh. Trí
tưởng tượng của các kỹ sư làm việc ở các công ty công viên có vấn đề
chăng, hay có điều gì khác? Khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật từng có dăm bảy
cây đào cổ thụ như thế, nhưng nay thì đã bị chặt bỏ hết rồi. Phong lan
các loại, hoặc lấy từ rừng hoặc sản xuất từ các trang trại thì luôn luôn
có bán đầy các chợ, nhưng người ta thường chỉ mua về bày ở nhà riêng
phòng riêng, rất hiếm công viên công thự có trồng phong lan, dù có cây
lớn, dư chỗ cho các loài phong lan rừng đeo bám. Trường hợp mấy chùm phi
điệp tím nhạt mỗi mùa vẫn từ mấy cành gội cao buông xuống, như ở vườn
Thư viện Quốc gia, có lẽ là chuyện ngẫu nhiên.
Ở xứ ta, đô thị
đang tăng dần tỉ trọng về diện tích, về dân số. Không gian đô thị không
phải là không gian làng xã; thiên nhiên, cây cối, tức là phần không gian
tự nhiên, sẽ bị thu hẹp đáng kể trong không gian đô thị. Phải tổ chức
ra sao cái không gian bị thu hẹp ấy để con người sinh ra và lớn lên
trong các đô thị vẫn còn được giao tiếp, được thụ hưởng cái thiên nhiên
tự nhiên dù đã bị thu hẹp kia? Điều mà các chuyên gia xây dựng và quản
lý đô thị quan tâm theo cách của họ, suy cho cùng, cũng là mối bận tâm
của người viết những dòng tản mạn này, cố nhiên, theo cách của mình.
Tuần đầu tháng Giêng 2004